Lợi khuẩn (Biotics) đang trở thành một phần quan trọng trong các sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da. Trong khi chưa trở thành một thành phần bắt buộc trong mỗi quy trình dưỡng da, mỹ phẩm lợi khuẩn đang dần trở thành xu hướng được yêu thích nhờ vào khả năng hỗ trợ tái thiết lập một làn da khỏe mạnh.
1. Lợi khuẩn là gì?
Lợi khuẩn là gì?
Lợi khuẩn thường được biết đến nhiều nhất với tên gọi probiotics, là những vi sinh vật như vi khuẩn, nấm… Khi chúng tồn tại trên cơ thể với số lượng hợp lý, cân bằng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Từ lâu, lợi khuẩn đã được biết đến như những vi khuẩn sống, có mặt chủ yếu trong các thực phẩm như sữa chua hoặc các loại men vi sinh giúp cân bằng lại đường tiêu hóa khi chúng mình gặp phải một số vấn đề về tiêu hóa. Tuy nhiên, phạm trù lợi khuẩn trong mỹ phẩm và chăm sóc da đến nay vẫn còn khá mới mẻ, thậm chí là khá mơ hồ.
Bên cạnh đó, hiệu quả của việc ứng dụng lợi khuẩn vào chăm sóc da vẫn còn nhiều tranh cãi vì chúng không thực sự mang lại sự thay đổi “nhìn thấy được” hoặc được chứng minh rõ ràng trên người dùng.
2. Hệ vi sinh trên da
Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra tất cả vi khuẩn trên da không phải là kẻ thù mà chúng là bạn của con người, và do đó chúng có vai trò to lớn trong việc giữ cho làn da được khỏe mạnh, cân bằng và giúp điều trị các vấn đề về da cũng như làm chậm các dấu hiệu của lão hóa.
Trên da người tồn tại một hệ sinh thái vi sinh vật bao gồm vi khuẩn, nấm… và có cả vi khuẩn tốt, vi khuẩn vô hại và vi khuẩn xấu gây bệnh hoặc gây rối loạn các vấn đề về da. Trong môi trường thuận lợi, các khuẩn tốt có tác dụng kiềm chế hoạt động gây hại của các khuẩn xấu, giúp hỗ trợ các hoạt động của miễn dịch trên da.
Hệ vi sinh trên da
Tuy nhiên, khi gặp phải điều kiện môi trường không thuận lợi như mất cân bằng độ ẩm, da bị xâm hại hoặc sức khỏe yếu do nhiễm bệnh, sử dụng kháng sinh… thì hệ sinh thái này mất cân bằng, các khuẩn tốt bị giết chết, các vô hại lại trở thành “thù”, trở thành nhân tố gây nên các vấn đề trên da mà thường gặp nhất là mụn và các hiện tượng giống mụn (như nhiễm nấm men chẳng hạn).
Việc chúng ta tái thiết lập lại sự cân bằng của hệ sinh thái này sẽ giúp da khỏe mạnh, nhờ đó giúp hỗ trợ trị mụn và các bệnh lý về da khác như bệnh đỏ da, các dấu hiệu lão hóa.
3. Các yếu tố gây ảnh hưởng đến sự cân bằng hệ vi sinh trên da
3.1 Da tiết bã nhờn quá mức
Đây là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến tình trạng mụn và các vấn đề khác như bệnh chàm da, viêm da tiết bã… Thông thường ở những người sở hữu làn da khỏe mạnh luôn tiết ra một lượng bã nhờn tự nhiên nhưng chúng không ảnh hưởng tới sức khỏe làn da. Ở một số người – đặc biệt thiếu niên ở độ tuổi dậy thì thì có lượng bã nhờn tiết ra quá mức sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh sôi phát triển, cùng với các nhân tố khác như tế bào chết, bội bẩn gây bít tắc gây ra các đợt bùng mụn và viêm da.
3.2 Mất cân bằng độ pH
Lớp màng bảo vệ da (Acid mantle) luôn có tính acidic và độ pH trung bình từ 4.5-5.5 là lý tưởng của một làn da khỏe mạnh, cân bằng. Tuy nhiên khi chúng mình sử dụng các sản phẩm có các thành phần hoạt động mạnh như SLS, SLSE hoặc các sản phẩm treatment quá mạnh sẽ làm tổn thương lớp màng bảo vệ da này, gây mất cân bằng pH.
Điều này dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh trên da dẫn tới việc giết chết các khuẩn tốt, các khuẩn xấu hoạt động mạnh và gây các đợt bùng mụn, bung viêm.
Sự ra đời của các sản phẩm tẩy rửa, tiệt trùng như nước rửa tay, nước sát khuẩn cũng góp phần phá vỡ sự cân bằng của hệ vi sinh trên da. Trên thực tế, có nhiều người bị ám ảnh về nhiễm khuẩn và nhìn đâu cũng thấy “vi khuẩn” và sử dụng dung dịch sát khuẩn mọi lúc, mọi nơi. Kết quả là da tay trở nên nhạy cảm, khô và bong tróc.
3.3 Sử dụng thuốc kháng sinh (antibiotics)
Nguyên nhân sử dụng thuốc kháng sinh
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây mất cân bằng hệ sinh thái vi sinh trên da chính là sử dụng thuốc kháng sinh kể cả đường uống lẫn đường bôi. Đặc biệt hiện nay ở Việt Nam tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi không kê toa không chỉ gây ra tình trạng kháng kháng sinh, gây ảnh hưởng tới sự cân bằng hệ vi sinh ở đường tiêu hóa mà còn cả trên da.
Đây chính là lý do team DA101 luôn khuyên chúng mình không nên trị mụn bằng các sản phẩm đường bôi chứa kháng sinh ngoài trừ trường hợp có sự định của bác sĩ.
3.4 Lối sống không lành mạnh
Chế độ ăn uống thiếu cân bằng dinh dưỡng, làm dấy lên đồ uống có cồn đặc biệt là hút thuốc lá- kể cả nhiễm khói thuốc lá thụ động- đều có thể dẫn đến sự mất cân bằng hệ sinh thái vi sinh trên da.
4. Phân loại mỹ phẩm chứa lợi khuẩn
Hiện nay trên thị trường, các sản phẩm dưỡng da chứa lợi khuẩn được chia thành ba loại: Probiotics, Prebiotics và Postbiotics.
4.1 Mỹ phẩm chứa Probiotics
Mỹ phẩm chứa lợi khuẩn từ Probiotics
Probiotics là các khuẩn sống và là dạng hiếm gặp nhất của mỹ phẩm lợi khuẩn vì các lý do về bảo quản. Thông thường probiotic thường gặp trong các thực phẩm lên men như sữa chua, kefir, trà kombucha và dưa cải bắp. Các vi khuẩn được sử dụng nhiều nhất trong các sản phẩm chăm sóc da chứa probiotics gồm vi khuẩn propionic acid từ sữa, lactobacillus và bifidobacterium.
Điều gây tranh cãi nhất hiện nay về mỹ phẩm chứa Probiotics chính là việc bảo quản các sản phẩm dưỡng da chứa chúng. Vì các chất bảo quản cần phải có trong các sản phẩm dưỡng da sẽ giết chết vi khuẩn sống, do đó các sản phẩm dưỡng da chứa Probiotics không thể chứa chất bảo quản và vì vậy chúng cần phải được bảo quản trong tủ lạnh.
Trên thực tế mỹ phẩm chứa lợi khuẩn trên thị trường hiện nay thường chứa Prebiotics hoặc Postbiotics hoặc kết hợp cả hai.
4.2 Mỹ phẩm chứa Prebiotics
Prebiotics là chất một mặt có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn có lợi và mặt khác giúp ức chế vi khuẩn có hại trên bề mặt da. Prebiotics thường được uống là carbohydrate không tiêu hóa được tìm thấy trong thực phẩm chứa chất xơ như các loại đậu, lúa mì nguyên hạt, táo, hành, yến mạch, v.v.
Những loại thực phẩm này chứa fructo-oligosaccharides (FOS) và galacto-oligoaccharides (GOS), là những loại đường không thể hấp thụ, chúng có tác dụng cung cấp dinh dưỡng đối với vi khuẩn có lợi trong đường ruột.
Các sản phẩm chăm sóc da chứa prebiotics thường trong các loại đường hoặc dầu thực vật này có khả năng cung cấp chất dinh dưỡng cho các vi khuẩn trên bề mặt da.
Khi ứng dụng vào chăm sóc da, mỹ phẩm chứa Prebiotics là các sản phẩm chứa thành phần lợi khuẩn có trong dung dịch nuôi khuẩn bacterial cell lysates- là thành phần chứa các tế bào vi khuẩn đã chết. Prebiotics chính là thức ăn của vi khuẩn và có tác dụng nuôi dưỡng và làm phong phú hệ sinh thái vi sinh vật.
Nói một cách dễ hiểu, sản phẩm chứa Prebiotics có tác dụng “nuôi” các vi khuẩn tốt trên da, nhờ đó hỗ trợ làm da khỏe mạnh và cân bằng.
4.3 Mỹ phẩm chứa Postbiotics
Mỹ phẩm chứa lợi khuẩn từ Probiotics
Postbiotics bao gồm các chất được giải phóng hoặc được sản xuất ra nhờ hoạt động trao đổi chất của các vi sinh vật.
Thực ra Postbiotics không còn mới mẻ xa lạ gì trong các sản phẩm dưỡng da. Chúng có mặt trong các sản phẩm dưỡng da lên men chứa lactic acid và glycerol. Một sản phẩm được marketing là chứa Postbiotic khi nó chứa các enzymes, peptides, muropeptide phái sinh từ peptidoglycan, polysaccharides, các acids hữu cơ.
So với Probiotics và Prebiotics thì hiệu quả của Postbiotics đã được kiểm nghiệm và cho kết quả rõ ràng hơn và cũng ít xảy ra các rủi ro tiềm ẩn hơn.
5. Những lưu ý khi sử dụng mỹ phẩm chứa lợi khuẩn
Vì hiệu quả thực sự của lợi khuẩn đối với sức khỏe làn da cũng như tác dụng của chúng trong việc điều trị các vấn đề về da vẫn còn đang chưa rõ ràng, cho nên lựa chọn sử dụng hay không và đặt kỳ vọng nhiều hay ít ở các sản phẩm này phụ thuộc vào từng cá nhân.
Tuy nhiên thông thường chúng mình sẽ không biết liệu hệ sinh thái vi sinh trên da chúng ta có đang khỏe mạnh và cân bằng hay không để bổ sung lợi khuẩn cho làn da.
Một lưu ý nữa không kém phần quan trọng là da bị nhiễm nấm, bị mụn nấm tuyệt đối tránh dùng các sản phẩm lên men, các sản phẩm chứa lợi khuẩn. Đơn giản là vì chúng là nguồn thức ăn nuôi nấm.
Nhận biết các sản phẩm chứa lợi khuẩn rất dễ dàng. Chúng là các sản phẩm lên men hoặc trong bảng thành phần có chứa oligosaccharide, lactobacillus, lactobacillus acidohilus, lactobacillus bulgaricus, inulin chính là chứa lợi khuẩn.
6. Kết luận
Theo lý thuyết lợi khuẩn có lợi ích lớn đối với làn da nhờ vào tác dụng tái thiết lập cân bằng hệ vi sinh trên da, nhờ đó giúp da khỏe mạnh và giúp điều trị các vấn đề liên quan tới mụn và da lão hóa.
Tuy nhiên chúng không phải là những thành phần cần phải có trong chu trình dưỡng da hàng ngày, vì vậy DA101 khuyến khích các bạn nên đầu tư vào các hoạt chất có tác dụng rõ ràng hơn như Retinoids, Vitamin C, Niacinamide.
Nếu bạn thích khám phá, làm mới bộ sưu tập dưỡng da cũng có thể thử các sản phẩm lên men, các sản phẩm chứa lợi khuẩn. Chỉ có điều hầu hết các sản phẩm mỹ phẩm lợi khuẩn trên thị trường hiện nay đều có mức giá không mấy dễ chịu đâu nha.